Bạn là sinh viên mới ra trường? Bạn không biết nên giới thiệu bản thân khi phỏng vấn như thế nào? Đọc ngay bài viết để biết cách tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!
Giới thiệu bản thân trong CV xin việc
CV chính là ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng về bạn. Vậy nên việc thiết kế và cách giới thiệu bản thân trong CV hết sức quan trọng. Đây cũng sẽ là cơ sở cho nhà tuyển dụng xem xét và quyết định việc tiếp tục phỏng vấn hay không.
Vậy làm cách nào để có một CV thật ấn tượng, có thể giới thiệu bản thân và thể hiện được giá trị bản thân, từ đó thuyết phục nhà tuyển dụng? Hãy xem qua những lưu ý sau đây:
- Thể hiện sự sáng tạo, khả năng thẩm mỹ cũng như kỹ năng thiết kế qua CV: Đừng nên chỉ sử dụng mẫu có sẵn mà hãy cố gắng tự thiết kế cho mình một chiếc CV theo phong cách của riêng bạn. Nếu bạn dùng template có sẵn, hãy chỉnh sửa lại để phù hợp với nội dung CV của mình nhé!
- Không nên đưa quá ít hoặc quá nhiều thứ vào CV: Hãy đảm bảo rằng CV của bạn có đầy đủ tất cả thông tin cần thiết (trình độ học vấn, thông tin cá nhân, kinh nghiệm làm việc, địa chỉ liên hệ,…). Có chọn lọc và đừng cố gắng nhồi nhét tất cả mọi thứ vì sẽ khiến CV quá nhiều chữ và trông rối mắt.
- Cung cấp những thông tin có ích: Lựa chọn những kinh nghiệm, thành tích hoặc sở thích cá nhân liên quan đến công việc ứng tuyển. Nên tìm hiểu về công ty cũng như vị trí ứng tuyển trước khi thiết kế và gửi CV. Chỉ sử dụng một mẫu CV cho tất cả nơi ứng tuyển đôi khi sẽ không phù hợp, khiến nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không thật sự xem trọng vị trí này.
- Giới thiệu bản thân ngắn gọn: Đừng nói quá rõ về bản thân mà hãy trình bày ngắn gọn những điều cơ bản nhất. Chỉ nên gợi mở về lý lịch, kinh nghiệm làm việc chứ không bật mí tất cả cho nhà tuyển dụng. Hãy giữ lại điều gì đó để có thể chia sẻ thêm tại buổi phỏng vấn.
Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn
Hầu hết các ứng viên đều rất lo lắng và căng thẳng khi phỏng vấn. Áp lực tâm lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giao tiếp và thể hiện bản thân. Vậy nên, điều đầu tiên các ứng viên cần lưu ý chính là hãy có một tinh thần thoải mái, tự tin nhất khi đến buổi phỏng vấn nhé!
Rất nhiều bạn mắc phải trường hợp “không biết nói gì” khi giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng, tại sao vậy?
Các bạn sinh viên thường sẽ gặp phải trường hợp này vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Tất cả những “vốn liếng” có được đều đã viết hết trong CV xin việc. Vậy nếu nhà tuyển dụng đưa ra yêu cầu này thì chúng ta nên làm gì? Có 2 cách giải quyết như sau:
- Như đã nói ở trên, đừng nên quá tham lam nhồi nhét mọi thứ vào CV mà hãy chọn lọc những thông tin nổi bật nhất. Soạn sẵn những chi tiết khác để giới thiệu bản thân khi đến buổi phỏng vấn. Ví dụ như những kinh nghiệm ngoài CV, các hoạt động trong câu lạc bộ, những nghiên cứu hay trải nghiệm của bản thân liên quan đến chuyên ngành hoặc công việc ứng tuyển.
- Nếu bạn không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, hãy giới thiệu thêm về sở thích, thế mạnh của bản thân. Việc thể hiện được sự yêu thích, niềm đam mê của bạn với công việc là một điểm cộng rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy cho họ thấy nỗ lực và sự quyết tâm theo đuổi công việc của bạn. Ngoài ra, cũng có thể nói thêm về một số kỹ năng hoặc sở trường phù hợp để nhà tuyển dụng hiểu hơn và đánh giá được mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển.
Những lưu ý khi giới thiệu bản thân
Giới thiệu bản thân ngắn gọn, thể hiện được sự quyết tâm với công việc: Vì thời gian phỏng vấn có hạn nên cần biết sắp xếp và trình bày sao cho ngắn gọn, nhưng đồng thời không thể quá qua loa.
Giới thiệu bản thân một cách trung thực, không khoa trương: Đừng vì muốn tạo ấn tượng mà cung cấp những thông tin không có thật. Vì nhà tuyển dụng có thể sẽ cảm thấy hứng thú và đặt thêm câu hỏi sâu cho thông tin bạn đưa ra. Nếu bạn không thể chứng minh được những điều mình nói là sự thật thì đây sẽ là điểm trừ rất lớn.
Giới thiệu bản thân thoải mái như một buổi trò chuyện: Đừng trình bày một cách máy móc theo mẫu có sẵn, hãy “là chính mình” để nhà tuyển dụng thấy được sự chân thành của bạn. Điều này cũng giúp nhà tuyển dụng cảm thấy hứng thú và muốn biết nhiều hơn về bạn đấy!
Có mở đầu và kết thúc rõ ràng: Không nên bỏ qua việc cảm ơn nhà tuyển dụng trước khi giới thiệu bản thân và sau khi kết thúc. Điều này không chỉ khiến bạn trở nên lịch sự và chân thành hơn, mà còn cho thấy sự chuyên nghiệp, mang lại cảm giác đáng tin cậy cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Làm sao để tự tin khi phỏng vấn?
Chuẩn bị đầy đủ mọi thứ: Cũng giống như ôn hết bài khi đi thi, sẽ chẳng việc gì phải lo lắng nếu chúng ta đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi thứ trước khi đến buổi phỏng vấn. Hãy liệt kê lại những điều cần nói, soạn sẵn các câu trả lời, tìm hiểu kỹ thông tin nhà tuyển dụng và một bộ trang phục thật phù hợp.
Viết ra những gì cần nói: Để tránh việc bỏ sót hay trình bày sai, hãy viết ra những điều cần nói. Liệt kê tất cả thông tin cần thiết và trình bày chúng theo thứ tự phù hợp để phần giới thiệu có điểm nhấn và thêm phần ấn tượng.
Làm chủ tinh thần: Nếu quá lo lắng và không thể làm chủ cảm xúc, bạn có áp dụng những kỹ thuật để tăng cường sự tự tin, như:
- Nghĩ đến những điều tốt đẹp: Nguyên nhân khiến bạn căng thẳng chính là những suy nghĩ tiêu cực có thể xảy ra. Hãy nghĩ đến những thành công mà bản thân đã đạt được và những giá trị có thể mang lại cho nhà tuyển dụng.
- Cố gắng mỉm cười nhiều hơn: Nụ cười có tác dụng rất tốt trong việc giảm căng thẳng và nó có tính lây lan nên hãy cố gắng mỉm cười nhiều hơn. Điều này sẽ giúp bạn che đi sự căng thẳng và tạo không khí thoải mái hơn trong buổi phỏng vấn.
- Hít thở sâu: Mỗi khi lo lắng, máu trong cơ thể sẽ khó lưu thông, dẫn đến việc não bộ không thể nhận đủ dưỡng chất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trả lời phỏng vấn của bạn và có thể khiến bạn căng thẳng hơn. Hãy hít thật sâu để bổ sung oxy cho cơ thể và cảm thấy thoải mái hơn nhé!
- Kiểm soát tốc độ nói và âm lượng: Nói lắp, nói quá nhanh hay đỏ mặt là những biểu hiện thường thấy ở những người căng thẳng và thiếu tự tin khi giao tiếp. Nếu bạn rơi vào một trong những trường hợp này thì hãy bình tĩnh và luôn nhắc nhở bản thân điều chỉnh tốc độ nói và âm lượng phù hợp.
Luyện tập giọng nói và tương tác với nhà tuyển dụng: Một giọng nói không cần hay nhưng dễ nghe và trôi chảy đã là một điểm cộng rất lớn với người đối diện. Hãy luyện tập trước khi phỏng vấn và tránh việc sử dụng những từ ngữ địa phương nhé. Ngoài ra, đừng quá thụ động mà hãy tương tác thật nhiều khi phỏng vấn để tạo được sự hứng thú và có cơ hội trao đổi nhiều hơn với nhà tuyển dụng.
Có thể bạn quan tâm:
Vị trí tuyển dụng: Thực tập sinh kinh doanh
Vị trí tuyển dụng: Nhân viên kinh doanh
Trên đây là một số cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn mà Vnet Media muốn gửi đến bạn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn tự tin hơn và có một buổi phỏng vấn thành công!